Người nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đang lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất khi việc lưu thông hàng hóa khó khăn do dịch bệnh. Không những thế, giá thành sản xuất lúa tăng mạnh khiến lợi nhuận của bà con giảm bớt. Chi phí sản xuất lúa tăng 143 đồng/kg so với vụ Hè Thu 2020, nhìn chung trên mỗi tấn lúa, bà con mất thêm 143.000 đồng chi phí phát sinh. Giá vật tư nông nghiệp và phân bón tăng mạnh trong thời gian gần đây là những nguyên nhân chính đẩy chi phí sản xuất lúa lên cao. Nguyên nhân không phải do cung lớn hơn cầu, mà do nguyên liệu sản xuất phân bón nhập khẩu tăng giá. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát các cơ sở phân phối vật tư nông nghiệp thường xuyên để tránh tình trạng bán phá giá.
Mục Lục
Giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL tăng cao
Giá thành sản xuất mỗi kg lúa Hè Thu 2021 tại ĐBSCL là 3.728 đồng. Cao hơn 143 đồng/kg (tương đương 143.000 đồng/tấn) so với vụ Hè Thu 2020. Với sản lượng ước đạt toàn vụ Hè Thu năm nay ở ĐBSCL là trên 8,5 triệu tấn. Tổng chi phí sản xuất tăng thêm là hơn 1.215 tỷ đồng so với vụ Hè Thu năm ngoái.
Tại diễn đàn trực tuyến “Chủ động giảm lượng giống – phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong tình hình dịch COVID-19” diễn ra ngày 19/8, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo số liệu của Bộ Tài Chính, bình quân giá thành (tạm tính) sản xuất lúa Hè Thu 2021 ở ĐBSCL là 3.728 đồng/kg, tăng 143 đồng/kg (tương đương tăng 143.000 đồng/tấn) so với vụ Hè Thu 2020.
Với tổng diện tích vụ Hè Thu 2021 ở ĐBSCL hơn 1,5 triệu ha, năng suất bình quân 5,67 tấn/ha. Ước sản lượng toàn vùng sẽ đạt trên 8,5 triệu tấn lúa. Với mỗi tấn lúa có chi phí giá thành tăng thêm 143.000 đồng. Đồng nghĩa với tổng 8,5 triệu tấn lúa vụ Hè Thu năm nay, nông dân vùng ĐBSCL đã phải tốn thêm hơn 1.215 tỷ đồng so với vụ Hè Thu năm ngoái.
Chi tiết chi phí sản xuất lúa
Dẫn biểu đồ chi phí sản xuất vụ Hè Thu 2020 ở Cần Thơ, ông Tùng cho biết, trong tổng giá thành sản xuất lúa, chi phí lao động chiếm cao nhất với 28%. Tiếp đến là phân bón 22%, thuốc bảo vệ thực vật 16%, giống 9%, thu hoạch 11%, làm đất 8% và còn lại 6% là các chi phí khác. Theo ông Tùng, để giảm chi phí giá thành sản xuất, đầu tiên phải giảm giống. Vì nó sẽ kéo theo giảm các chi phí khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc kéo giảm giá thành sản xuất không chỉ có ý nghĩa cho người nông dân. Mà còn giúp doanh nghiệp có sản phẩm với giá cạnh tranh hơn khi xuất khẩu.
Giá phân bón vật tư liên tục tăng mạnh
Liên quan đến giá phân bón, vật tư nông nghiệp, trước đó, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, vật tư phục vụ trồng trọt, giá phân bón trong nước và thế giới đã liên tục tăng. Cụ thể, với phân bón sản xuất trong nước, phân đạm Cà Mau từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg (tăng 72%). Phân DAP Đình Vũ từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg (tăng 67,3%). Phân NPK Bình Điền loại NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg (tăng 24,3%). Còn phân bón nhập khẩu, phân SA bột của Trung Quốc từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg (tăng 50%). Phân Kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg (tăng 72,9%)…
Lý giải giá phân bón thời gian qua liên tục tăng cao, Cục trưởng BVTV Hoàng Trung cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Trong bảy tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón tăng liên tục. Trong đó, giá lưu huỳnh tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn). Giá axit sunfuric (H2SO4) tăng 232%, giá khí amoniac (NH3) tăng 220%, giá quặng apatit tăng 7,7%. Ngoài ra, giá cước vận tải tăng lên từ ba đến năm lần.
Kiểm soát tình phân phối phân bón toàn diện
Trước tình hình các loại phân bón sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu tăng từ 50-73%. Đang làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón không đảm bảo chất lượng. Hay việc đầu cơ tích trữ và tăng giá kiếm lời.
Tổ công tác 970 đề nghị UBND các tỉnh, thành phía Nam chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với các sở ngành và thành viên Ban Chỉ đạo 389, UBND các huyện đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và chất lượng phân bón trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng, tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.